DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Tục thờ tổ nghề độc đáo ở làng tiện lớn nhất Bắc Bộ
Ngày đăng 22/05/2021 | 13:25  | Lượt xem: 1830

(HNMCT) - Đối với các làng nghề, tổ nghề có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và thường được thờ phụng chu đáo. Riêng với làng tiện Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín), việc thờ tổ nghề giống như một tín ngưỡng dân gian đặc trưng của dân làng.

 

Nghề tiện Nhị Khê ngày càng phát triển nhờ cơ giới hóa dây chuyền sản xuất.

Nghề đến nhờ nhân duyên

Nghề tiện đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nhị Khê. Hiện nay, có khoảng 500 - 600 hộ gia đình ở làng làm nghề này, chưa kể không ít người con Nhị Khê mang nghề đi lập nghiệp ở phương xa.

Theo cụ Nguyễn Thông (80 tuổi, người làng Nhị Khê), cách đây hơn 300 năm, có một ông lão người nơi khác đến làng Vân (xã Khánh Hà) dạy nghề tiện cho dân ba làng: Làng Vân, Hoàng Xá và Đỗ Hà. Tuy nhiên, người các làng này không học được nghề.

Một ngày, ông lão ra bờ sông Tô Lịch hóng mát, thấy một ông già đang đánh cá bên kia sông (thuộc làng Nhị Khê) bèn nói: “Ông sang đây cõng tôi qua, tôi dạy nghề tiện cho”. Ông già làng Nhị Khê liền bơi qua, cõng ông lão sang sông. Thấy tinh thần quyết tâm học nghề ấy ông lão kia đã truyền nghề tiện cho dân làng Nhị Khê.

Vào đêm 24, rạng sáng 25 tháng Mười âm lịch năm nọ, ông lão truyền nghề bỏ đi đâu không ai rõ. Tài liệu sau này ghi chép lại, tổ nghề tên là Đoàn Tài (có sách ghi là Doãn Văn Tài, nhưng cũng có giả thuyết cho rằng tên ông là Trần Công Khuê). Vì vậy việc xác định tên chính xác cụ tổ nghề hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Dân làng Nhị Khê lấy ngày ông bỏ đi làm ngày giỗ và xây dựng đền thờ tổ nghề tiện ngay gần đình làng, quay về hướng tây.

Cụ Nguyễn Thông còn cho biết thêm, dân làng Nhị Khê do không rõ về xuất xứ ông tổ nghề nên đã tôn vinh ông là Tiên, Thánh, Sư và có câu nguyền: “Sống thì sống đủ một trăm/ Chết thì chết giữa hai lăm tháng Mười”...

Thờ tổ nghề như một tín ngưỡng

Tục đi lễ tết ở làng Nhị Khê rất đặc biệt. Vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán, dân làng thường đi lễ ở đình làng (thờ Trời - Đất), mùng Hai lễ ở nhà thờ tổ nghề tiện, mùng Ba mới đi thăm và chúc Tết nhau.

Người Nhị Khê xưa đã nghĩ ra những câu ca dao ca ngợi phong cảnh quê hương và tổ nghề như: “Dũi tiện có cây bồ đề/ Có sông Tô Lịch, có nghề tiện mâm”, “Sông Tô, đống Bảng còn đây/ Nhị Khê hai tiếng tràn đầy suối hoa”, hay “Bao giờ Thường Tín hết cây/ Sông Tô cạn nước, Nhị Khê bỏ nghề”..., cho thấy vai trò kinh tế quan trọng của nghề tiện ở làng quê Nhị Khê hàng trăm năm qua.

Không giống như các đền thờ tổ nghề ở nhiều nơi khác thường đề các chữ ca ngợi công đức tổ nghề, đền thờ tổ nghề tiện ở Nhị Khê chỉ đề ba chữ: “Dân tiên giác” trên cổng, nghĩa là: Trước tiên dân phải tự giác trong mọi việc. Ba chữ này cũng thể hiện tính cách của người dân Nhị Khê bao đời nay là tự giác trong công việc, sống có lề lối, khiêm nhường. Theo lý giải của ông Nguyễn Thông: “Dân tiên giác” còn có ý nói về nghề, tức là nghề tiện phải làm nhiều mới thạo chứ không thể chỉ học lý thuyết. Cụ tổ nghề chỉ truyền dạy lý thuyết, kỹ thuật chính, còn người dân phải tự giác mày mò mới thành nghề.

Ngoài ra, trong nhà thờ còn một số bức đại tự độc đáo nói về nghề như: “Viên nhi thần” (Ông thần dùng bàn xoay để tiện), bức hoành phi “Hữu khai tiên” (Có công mở mang nghề nghiệp) và bức hoành lớn với bốn đại tự: “Viên cơ hoạt pháp” (Phép tiện của máy tròn), đều mang ý nghĩa nhấn mạnh vai trò, đặc trưng của nghề tiện.

Ngày giỗ tổ nghề 25 tháng Mười âm lịch hằng năm là ngày hội lớn nhất ở làng, con em Nhị Khê lập nghiệp ở mọi miền Tổ quốc đều về tụ họp. Để xin phúc lộc từ ông tổ nghề, người ta thường mang theo hai thứ quan trọng đặt lên ban thờ, đó là hương hoa và bó dụng cụ của nghề tiện gồm quét, cán, khoan đã được đánh bóng và tôi lại nhằm cầu mong một năm mới may mắn, thuận lợi trong công việc làm ăn. Đó là phong tục đẹp được trao truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2001, Làng nghề tiện Nhị Khê được công nhận là Làng nghề truyền thống.

Đến nay, nghề tiện ở Nhị Khê ngày càng phát triển nhờ cơ giới hóa dây chuyền sản xuất, từ đó tạo ra nhiều mặt hàng đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu (thời điểm trước dịch Covid-19). Không những vậy, người dân Nhị Khê còn sáng tạo ra các mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại bên cạnh những mặt hàng truyền thống. Nhờ vậy, đến nay, nghề tiện Nhị Khê vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

(Nguồn: Nguyễn Văn Công - dientu@hanoimoi.com.vn)