DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng: Thiêng liêng mảnh đất cội nguồn
Publish date 29/04/2023 | 09:14  | Lượt xem: 1083

(HNM) - Hôm nay, ngày 29-4 tức mùng 10 tháng Ba âm lịch, chính lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Từ khắp mọi miền đất nước, triệu triệu trái tim người Việt cùng hướng về đất Tổ, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công khai sơn trị thủy, gây dựng cơ đồ, bảo vệ giang sơn gấm vóc. Đây còn là dịp để mỗi người lắng trong đồng vọng ngàn xưa, cảm nhận sự thiêng liêng mảnh đất cội nguồn, những dấu son lịch sử chói lọi cùng bao dự cảm tốt lành về chặng đường phía trước. Đó chính là sức mạnh, niềm tin mà mỗi người có thể tìm thấy từ mảnh đất cội nguồn dân tộc - “nơi bắt đầu của mọi bắt đầu”.

Về nơi trăm miền hội tụ

Rộn ràng và náo nức là không khí thường trực trong những ngày này tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng - trung tâm thờ cúng tổ tiên của người Việt. Trong tiết trời dịu nhẹ, nắng và gió chan hòa, từ mọi ngả đường, từng đoàn người đổ về khu vực trung tâm lễ hội, khiến khắp mọi không gian đều nườm nượp du khách. Song không vì vậy mà nơi đây xuất hiện các hiện tượng thường thấy ở nhiều lễ hội khác, như chen lấn, xô đẩy, hóa vàng và xả rác bừa bãi… Điều này, có lẽ xuất phát từ nguyên do sâu xa, trong tâm khảm mỗi người, trở về đất Tổ là về với cội nguồn dân tộc, với tình máu mủ ruột rà - nơi khởi nguồn của hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng, gần gũi.

Hòa chung dòng người háo hức tìm về đất Tổ, bà Hoàng Thị Xuân, 75 tuổi, ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang xúc động bày tỏ: “Từ sớm tinh mơ, tôi đã cùng đoàn bạn học hành hương về Đền Hùng. Trước đó cả đêm khấp khởi không ngủ được, giờ lại đi bộ hàng cây số, lên xuống hàng nghìn bậc thang tới các điểm dâng hương nhưng tôi và các bạn đều không thấy mệt. Có lẽ cảm giác phấn chấn được thỏa nguyện về thăm đất Tổ đã át đi hết những điều này”.

Cùng tâm trạng với bà Hoàng Thị Xuân là ông Nguyễn Huy Thắng (kiều bào ở Cộng hòa Liên bang Đức). Chứng kiến sự đổi mới từng ngày của đất nước, hình ảnh khang trang bề thế của Khu di tích Đền Hùng cùng công tác tổ chức lễ hội ngày càng chỉn chu, chuyên nghiệp, ông Nguyễn Huy Thắng bảo rằng trong lòng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và cả tự hào về quê hương, đất nước mình.

Ông Thắng chia sẻ: “Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống được bao thế hệ người Việt gìn giữ, trao truyền một cách tự nhiên, gần gũi, đã và đang khắc sâu vào tâm khảm mỗi người về ý thức dân tộc, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào. Đây cũng là tín ngưỡng đầu tiên và duy nhất đến giờ được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hành hương về nguồn chính là dịp hòa mình vào bản sắc văn hóa đất nước, giáo dục truyền thống cho con cháu sau này, dù có đi khắp bốn phương trời thì cũng biết đâu là tổ tông, nguồn cội để tìm về”. 

Chung một cội nguồn, chung một tương lai

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay trùng với dịp kỷ niệm 20 năm Công ước 2013 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh những hoạt động phần lễ và phần hội đã thành truyền thống, như: Lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ; Lễ giỗ tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong”; Hội trại văn hóa; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng, hát xoan làng cổ; trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật thời đại Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; thi gói nấu bánh chưng và giã bánh giầy…, còn có hơn 20 hoạt động điểm nhấn khác, như: Liên hoan trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; thực hành và trưng bày không gian di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh…

Trong đó, Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - đất Tổ Hùng Vương”. Chương trình nghệ thuật được đầu tư xây dựng công phu, quy mô hoành tráng theo hình thức nghệ thuật tổng hợp, lấy ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật các di sản văn hóa làm chủ đạo; âm nhạc, lời bình làm nhiệm vụ kết nối các tiết mục và diễn giải nội dung mang tính nghệ thuật cao.

Đáng nói, các hoạt động trên không tập trung tại không gian lễ hội mà trải rộng tại nhiều điểm trung tâm, giao lưu văn hóa, di tích lịch sử văn hóa của thành phố, qua đó vừa giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm lễ hội, vừa tạo ấn tượng với đồng bào và du khách về tiềm năng du lịch vùng đất Tổ.

Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, những người con sinh ra trên đất Việt không ai không một lần được nghe truyền thuyết con Lạc, cháu Hồng. Dấu tích thời đại Hùng Vương lẫy lừng qua nghìn năm lịch sử vẫn còn hiện hữu qua khối di tích, di vật đồ sộ cùng vốn văn hóa phi vật thể phong phú nơi đây.

“Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta “chạm” vào quá khứ kỳ vĩ ấy thông qua các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản, từ đó hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn dân tộc từ sự hình thành của Nhà nước Văn Lang đến giá trị ngàn đời của cây lúa nước”, ông Lê Trường Giang nói.  

Để giúp đồng bào và du khách hành hương, trẩy hội thuận tiện, an toàn, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, dịch bệnh… đã được lên phương án kỹ lưỡng. Bên cạnh kế hoạch cứng, là các phương án dự phòng cho tình huống quá tải lượng khách, do 2 năm qua hoạt động lễ hội bị bó hẹp vì đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tâm nguyện về nguồn của nhân dân. Công tác vệ sinh, trang hoàng đường phố cũng được duy trì, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng ngay từ cửa ngõ “thành phố ngã ba sông” Việt Trì, với cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ… Tất cả với 100% nỗ lực nhằm mang đến cho đồng bào chuyến hành hương tốt đẹp và ý nghĩa, đưa Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội kiểu mẫu của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng, Tuần văn hóa du lịch đất Tổ 2023 Hồ Đại Dũng nhấn mạnh: “Các hoạt động tại Lễ hội Đền Hùng không chỉ để tôn vinh, quảng bá tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa vùng đất Tổ, mà còn giúp đồng bào thêm tự hào về nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng. Ở đó, mọi người tìm thấy gốc rễ bền chặt làm nên tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào giá trị trường tồn của dân tộc”.   

Nguồn: NGUYỄN THANH - dientu@hanoimoi.com.vn