GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021): Gieo mầm tương lai cho dân tộc Việt Nam
Publish date 05/06/2021 | 09:24  | Lượt xem: 709

(HNM) - Cách đây 110 năm, vào ngày 5-6-1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình của Văn Ba - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không định trước thời gian, nhưng định trước mục tiêu lịch sử, định trước động cơ chính trị, phương thức hoạt động cách mạng. Chuyến đi của Người đã gieo mầm tương lai cho dân tộc Việt Nam.

 

1. Con đường cứu nước mà Nguyễn Tất Thành đi tìm chưa có tiền lệ, chưa được các bậc tiền bối phát hiện sau hơn 40 năm kháng Pháp bất thành. Cuộc khảo sát thế giới trong 30 năm của Người chính là trường học vĩ đại gắn với trường đời lịch sử cách mạng. Từ trải nghiệm cuộc đời, từ kinh nghiệm lăn xả vào phong trào cách mạng thế giới, từ chắt lọc các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc có đủ tầm tri thức và nhãn quan chính trị khi nhận diện đúng, lĩnh hội đúng chân lý thời đại cho dân tộc Việt Nam: Chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản mới có thể tự giải thoát thân phận vong quốc nô.

Tháng 6-1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi yêu sách tới Hội nghị Versailles đòi quyền tự do bình đẳng cho xứ An Nam và Đông Dương. Người cũng không chút do dự đứng lên biểu quyết sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, dứt khoát lập trường tư tưởng chính trị vô sản. Đây chính là cầu nối thời đại đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam bắt nhịp xu thế thời đại: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp đều xoay quanh trục lõi giải phóng con người, mang lại những giá trị sống bao quát mà con người mong mỏi, khát vọng.

Cuốn “Đường Kách mệnh” (xuất bản năm 1927) là tác phẩm kinh điển lý luận cách mạng đầu tiên mà người chiến sĩ yêu nước, người chiến sĩ cộng sản quốc tế đầu tiên đến từ Việt Nam sáng tạo cho phong trào cách mạng thế giới, đem vận dụng thành công cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc cùng cảnh ngộ.

So với Các Mác, Ăngghen, Lênin thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khiêm tốn nhiều về các tác phẩm kinh điển lý luận, nhưng mỗi lời nói, bài viết, hành động của Người đều toát lên triết lý nhân sinh hữu ái nhân gian, đó là ánh sáng thời đại được phát sáng từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hay Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Chân lý thời đại thì duy nhất, nhưng người lĩnh hội chân lý thì lại ở muôn hình vạn trạng vị trí tiếp cận.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đứng ở vị trí nhân tâm, vượt mọi giới hạn địa lý và thời gian, định vị vững chãi giữa thời đại “bốn phương vô sản đều là anh em”. Vì thế trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, Người chỉ có một tư tưởng yêu thương đồng loại và ghét bỏ, đấu tranh thủ tiêu, loại trừ áp bức, bất công, đúng như một nhà báo quốc tế đã nhận xét: Nguyễn Ái Quốc toát lên ánh sáng văn hóa của tương lai.

Tư tưởng Hồ Chí Minh tỏa rạng đến nay và mai sau chính là nhờ giá trị bao dung, nhân ái khôn cùng, hết thảy mọi sự hy sinh cùng nhằm mục tiêu tối thượng: Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào, bình đẳng, bác ái cho nhân gian.

Khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chưa ai dám chắc tương lai dân tộc Việt Nam sẽ được giải phóng. Sau 20 năm, khi Nguyễn Ái Quốc reo lên “Đây là con đường giải phóng chúng ta”, thì trong tâm tưởng của Người đã hình dung chân trời tươi sáng như từng có trên quê hương Lênin. Sau 30 năm, khi về nước, sáng lập Mặt trận Việt Minh thì tương lai dân tộc đã sáng rõ hơn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự khai mở chân dung hình hài Tổ quốc Việt Nam linh thiêng. Tuyên ngôn độc lập và 2 cuộc kháng chiến trường kỳ vệ quốc là dấu ấn đậm nét của tư tưởng Hồ Chí Minh về “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc tiếp tục là bản anh hùng ca của tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần tự chủ, về khát vọng hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ.

Công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua mang lại cơ đồ dân tộc rạng rỡ như ngày nay, cùng với tinh thần chống "giặc" Covid-19 càng minh chứng sức mạnh chân lý thời đại: Một dân tộc dù nhỏ yếu, nhưng biết đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản thì chắc chắn sẽ đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách lịch sử và dân tộc ấy có quyền hưởng tự do, độc lập.

2. Kể từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hí hửng dự báo, đợi chờ và thúc đẩy âm mưu làm cho phần còn lại của hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã nốt. Việt Nam là một minh chứng cho điều ngược lại đối với chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Trước hết, Việt Nam đã chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa đất nước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây không phải thứ kinh tế thị trường thả nổi, cá lớn nuốt cá bé, thao túng chính trị, mà là sự sáng tạo tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi mới nhưng không đổi màu, không đánh đổi nền tự chủ, không hy sinh lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là không đem lợi ích chính đáng của nhân dân đánh đổi cho những “canh bạc” chính trị, đối ngoại. Lòng dân là thước đo mọi chủ trương đường lối của Đảng, giống như trước kia lòng yêu nước thương nòi là thước đo chân lý trong tư duy cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Từ xuất phát điểm là mong muốn đi ra nước ngoài xem người ta làm thế nào để có được tự do, bình đẳng, bác ái rồi sẽ trở về giúp đồng bào ta, khi người bạn cùng thời hỏi ra nước ngoài mà không có tiền thì sống bằng gì, Nguyễn Tất Thành khảng khái giơ đôi bàn tay và đáp rằng, sống bằng đôi bàn tay này đây. Lúc gặp chủ tàu buôn của Pháp để xin việc, ông chủ tàu thấy dáng thư sinh của Nguyễn Tất Thành, bèn hỏi: “Anh có thể làm được việc gì?”, Người đáp lại: “Tôi có thể làm bất cứ việc gì”. Lần đối mặt với Bộ trưởng thuộc địa Pháp, trước những lời hăm dọa, Nguyễn Ái Quốc đanh thép đáp lại: "Độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, đó là thứ cần nhất trên đời…". Cho tới nay, lý tưởng sống cao đẹp vượt tầm thời đại của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc thắp sáng lương tri con người, đưa dân tộc Việt Nam vững bước trên hành trình xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giải phóng con người trên phạm vi thế giới.

Hơn một thế kỷ trước, Việt Nam đứng trước bức tường đen kịt của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới: Thế giới có 2 phần giai tầng xã hội ẩn chứa mâu thuẫn đối kháng giai cấp và mâu thuẫn dân tộc. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là để đục thủng bức tường áp bức bất công và Người đã thành công. Ở Paris (Pháp), trên bức tường tạc chân dung những người làm nên biến đổi lịch sử nhân loại thế kỷ XX có hình ảnh của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, con người bình dị, đôn hậu mà không bao giờ lùi bước, khuất phục trước mọi thách thức lịch sử. Sức mạnh của con người đó chỉ trước sau gói trọn trong mấy chữ: Vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Vào 80 năm trước, khi mới trở về Tổ quốc, Hồ Chí Minh viết cuốn “Lịch sử nước ta”, câu kết Người viết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng” và chính nhờ có chữ “đồng” mà ta có khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, từng bước đấu tranh giành độc lập, bảo vệ thống nhất non sông, mạnh bạo kiến tạo mô hình xã hội mới với nhân lõi “Dân là gốc”, “Dân làm chủ”. Tự tin, tự lập, tự chủ, tự cường là tiền đề tinh thần và cốt cách con người Việt Nam, làm nên giá trị Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Có được những giá trị thiêng liêng đó chính là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng mà điểm khởi đầu là hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người 110 năm về trước.

(Nguồn: PGS.TS TRẦN VIẾT LƯU - dientu@hanoimoi.com.vn)